Trước tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, ngoài xét nghiệm Real-time PCR, phương pháp test nhanh cũng được áp dụng. Tuy nhiên vì vẫn có trường hợp nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 dù test nhanh cho kết quả âm tính, nên một số tỉnh thành phố đã ngưng việc thực hiện test nhanh trong cộng đồng. Vậy tại sao kết quả test nhanh âm tính vẫn có khả năng mắc Covid-19? Sau đây là 8 thông tin bạn cần biết về test nhanh.
1. Test nhanh là xét nghiệm tìm kháng thể kháng vi-rút trong máu cho phép xác định bệnh nhân có đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm với vi-rút SARS-CoV-2 hay không. Nếu người đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm thì trong máu sẽ có kháng thể kháng lại vi-rút SARS-CoV-2.
2. Test nhanh có giá trị điều tra dịch tễ xem tình hình dịch đã qua, hiện tại và dự báo tương lai. Kỹ thuật đơn giản, ít chi phí, cho kết quả nhanh.
3. Test nhanh còn có giá trị xác định xem cơ thể đã có kháng thể kháng lại vi-rút SARS-CoV-2 hay chưa.
4. Nếu làm sớm quá, cơ thể chưa có đủ kháng thể, test nhanh sẽ cho kết quả âm tính.
5. Nếu làm muộn, test nhanh có thể cho kết quả dương tính, nhất là sau 2 tuần phơi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Nhưng tiếc là khả năng ngăn ngừa lây lan đã bị trôi qua.
6. Nếu làm đúng lúc, test nhanh cũng chưa đủ khẳng định được là hiện có vi-rút SARS-CoV-2 trong cơ thể hay không mà cần phải làm thêm xét nghiệm Real-time PCR.
7. Test nhanh âm tính mà xét nghiệm Real-time PCR dương tính thì khả năng người đó mới bị nhiễm bệnh trong một vài ngày gần đây, thường là dưới 7 ngày và kháng thể chưa kịp hình thành trong máu.
8. Test nhanh không dùng để khẳng định mắc bệnh Covid-19 vì bản chất của test nhanh là dùng để phát hiện kháng thể.
Với các thông tin cơ bản nêu trên, có thể kết luận rằng những người có kết quả test nhanh âm tính vẫn có khả năng nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Vì vậy nếu đã được test nhanh và có kết quả âm tính, tuyệt đối không được chủ quan, nghĩ rằng mình chắc chắn không mắc Covid-19. Thay vào đó hãy tuân thủ nghiêm túc việc cách ly đủ 14 ngày và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng nhằm hạn chế các trường hợp âm tính giả, tạo điều kiện lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Nguồn: Sức khỏe & đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế