Viêm nang lông là tình trạng tổn thương khu trú ở một hoặc nhiều nang lông. Đây là bệnh da liễu khá phổ biến và gặp nhiều ở thanh thiếu niên, trẻ đang độ tuổi dậy thì. Viêm nang lông khá lành tính, không gây nguy hiểm sức khỏe hay tính mạng con trẻ và có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên vì gây mất thẩm mỹ nên viêm nang lông có thể tạo cho các con tâm lý e ngại, thiếu tự tin, đặc biệt là với các bé gái.
NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY VIÊM NANG LÔNG?
Tác nhân chính gây nên viêm nang lông là vi khuẩn, vi-rút và một số loại nấm men. Các tác nhân này xâm nhập vào da khi có điều kiện thuận lợi và gây viêm nhiễm khu trú ở nang lông. Bên cạnh đó, viêm nang lông cũng có thể khởi phát do một số nguyên nhân khác như
1. Di truyền: theo thống kê, trong tổng số những trường hợp bị viêm nang lông có tới 65% người mắc có cha mẹ hoặc người thân trong gia đình đã bị trước đó.
2. Vệ sinh cơ thể không sạch sẽ: nếu không tắm rửa thường xuyên, các tế bào chết, cặn bã, bụi bẩn sẽ có cơ hội bám lại trên da và khiến các lỗ chân lông bị tắc nghẽn, lâu dần dẫn đến viêm nang lông.
3. Mặc quần áo hầm bí, bó sát: những trẻ đang tuổi dậy thì hiện nay thường chuộng những trang phục hầm bí như áo hoodie, phối nhiều lớp áo hoặc trang phục bó sát như quần legging, skinny, jeans… Việc mặc thường xuyên những trang phục này trong tiết trời Sài Gòn như hiện nay dễ làm mồ hôi không thoát ra ngoài, khiến vi khuẩn, nấm có cơ hội gây viêm nang lông.
4. Rối loạn tuyến dầu: ở một số trẻ hệ thống bài tiết hoạt động chưa ổn định nên khi tuyến dầu hoạt động quá mạnh, bã nhờn tiết ra nhiều sẽ làm ứ tắc lỗ chân lông và gây nên viêm nang lông.
5. Cạo hoặc tẩy lông sai cách: các bé gái khi đến tuổi dậy thì thường chăm chút cho vẻ bề ngoài hơn và thường cảm thấy tự ti khi vùng lông tay hoặc chân của mình rậm rạp. Vì vậy nhiều bé chọn phương án tự cạo hoặc mua kem về tẩy. Tuy nhiên nếu thực hiện không đúng cách, các phương pháp này sẽ khiến lông mọc ngược, gây bí tắc lỗ chân lông và dẫn đến viêm nang lông.
6. Sử dụng sản phẩm chăm sóc da không phù hợp hoặc gây kích ứng: việc lựa chọn sản phẩm chăm sóc da không phù hợp với tình trạng da và thời tiết sẽ rất dễ gây bí tắc lỗ chân lông, dẫn đến viêm. Vì vậy vào mùa hè, tiết trời nóng bức, hãy ưu tiên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da kết cấu lỏng, mỏng, nhẹ để hạn chế tối đa khả năng bí da gây viêm nang lông.
7. Tắm hồ bơi, bồn nước nóng: một số loại vi khuẩn gây viêm nang lông thường tồn tại trong những môi trường ẩm ướt như bồn tắm nước nóng, các máng trượt nước hay hồ bơi. Đặc biệt chúng có thể tồn tại ngay cả trong môi trường đã được khử trùng bằng clo.
TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT VIÊM NANG LÔNG

Tổn thương cơ bản của viêm nang lông là các sẩn đỏ hoặc mụn mủ nhỏ khu trú ở nang lông và xung quanh nang lông có quầng đỏ tươi. Sau vài ngày, mụn mủ có xu hướng vỡ, gây ra vết trợt nhỏ, khô lại và bong vảy tiết. Ở một số vị trí, các mụn mủ có thể liên kết tạo thành từng đám lớn gây viêm đỏ, ngứa ngáy và sưng đau.
PHƯƠNG PHÁP NÀO ĐIỀU TRỊ VIÊM NANG LÔNG
Khi thấy con trẻ có các triệu chứng bất thường như trên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám DA LIỄU để được Bác sĩ chuyên khoa thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp, dứt điểm. Hạn chế lạm dụng quá mức các bài thuốc dân gian, làm bệnh có điều kiện ủ trong thời gian dài và nặng hơn.
Bên cạnh đó hãy chú ý nhắc nhở trẻ vệ sinh cơ thể sạch sẽ; hạn chế mặc quần áo hầm bí, bó sát; ưu tiên lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp và hạn chế cạo hoặc tẩy lông, tắm hồ bơi, bồn nước nóng…